Tìm kiếm

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa

Hình ảnh người đàn ông đang thở oxy

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có 251 triệu ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trên toàn cầu trong năm 2016 và gây ra khoảng 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc COPD chiếm 4,2% dân số với các nguyên nhân điển hình bao gồm hút thuốc lá, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, hít phải nhiều khói bụi hoặc khí độc,… Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ làm phổi bị tổn thương nghiêm trọng. Hiểu biết về COPD sẽ giúp bạn phòng ngừa tốt hơn, hoặc có thể nhận biết sớm các triệu chứng và kiểm soát bệnh tốt nếu không may mắc bệnh. Để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của Dược Bình Đông.

1. Đôi nét về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là tình trạng viêm mãn tính của phế quản, khiến thành phế quản dày lên và tăng tiết chất nhầy. Điều này dẫn đến sự co thắt phế quản, gây ra tình trạng ứ khí trong phế nang, làm giãn phế nang và hình thành các kén khí. 

1.1. Phân loại bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chia thành 2 loại chính với các đặc điểm khác nhau, trong một vài trường hợp cả 2 có thể xuất hiện cùng lúc:

  • Viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính: là tình trạng viêm phế quản mãn tính có dấu hiệu tắc nghẽn luồng khí khi đo chức năng hô hấp. Tình trạng này đặc trưng bởi sự tăng tiết đờm nhầy trong phế quản và xuất hiện triệu chứng ho có đờm trong hầu hết các ngày trong tuần, kéo dài ít nhất 3 tháng trong 2 năm liên tiếp. 
  • Khí phế thũng: xảy ra khi nhu mô phổi bị hủy hoại gây ra tình trạng mất đàn hồi và mất vách phế nang. Điều này tạo ra các bóng khí trong phổi, khiến khí không thoát ra được, gây bẫy khí và giới hạn luồng không khí. Hệ quả là người bệnh cảm thấy khó thở, đặc biệt khi vận động mạnh hoặc tập thể dục. 
Hình ảnh mô phỏng về bệnh phổi trong cơ thể con người
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

1.2. Biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính diễn biến một cách âm thầm và trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ đe dọa tính mạng của người bệnh. Cụ thể, COPD có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Tràn khí màng phổi: Ở giai đoạn nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đường thở của người bệnh bị tắc nghẽn kéo dài khiến cho lượng khí đã hít vào không được thở ra hết. Lượng khí tích tụ này tăng dần lên, gây áp lực lên phế nang và làm phế nang bị căng giãn, mỏng dần và dễ bị vỡ vào khoang màng phổi, từ đó gây tràn khí màng phổi và đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được khắc phục sớm.
  • Gặp các vấn đề về tim mạch: Khi COPD tiến triển đến giai đoạn nặng, luồng không khí ra vào phổi sẽ bị cản trở, khí bị ứ đọng khiến cho các vách phế nang bị phá hủy. Tình trạng này khiến nồng độ oxy trong máu giảm và tích đọng nhiều khí cacbonic, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác, đặc biệt là tim. Bên cạnh đó, phế quản và phế nang cũng bị tổn thương, làm tăng áp lực máu trong tuần hoàn phổi khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Về lâu dài, cơ tim sẽ bị giãn và thậm chí là bị suy tim phải.
  • Giảm tuổi thọ: Dù ở mức độ nặng hay nhẹ thì tuổi thọ người bệnh đều ngắn hơn so với người bình thường. Một số thống kê cho thấy, khoảng 30% các ca COPD giai đoạn nặng và 70% các ca rất nặng tử vong chỉ sau 5 năm phát hiện bệnh. 
  • Tàn phế: Tình trạng khó thở và đau cơ do tác động của bệnh làm suy giảm trầm trọng khả năng vận động của người bệnh. Ngoài ra, khoảng 60% các ca mắc bệnh được chỉ định thở oxy dài hạn và nằm tại chỗ từ 16 – 18 giờ/ngày, khiến người bệnh phải sống phụ thuộc vào người khác và gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm.

1.3. Đối tượng dễ mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất phổ biến và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, có những đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn những người khác, cụ thể là:

2. Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thường bắt đầu với các triệu chứng không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác. Điều này khiến việc nhận biết bệnh trở nên khó khăn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. 

Tuy vậy, người bệnh cũng cần để ý đến sức khỏe và nhận biết về bệnh thông qua một số triệu chứng như sau:

  • Khó thở: Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường cảm thấy khó thở khi gắng sức (mang vác vật nặng, leo cầu thang, luyện tập thể dục thể thao,…). Khi bệnh tiến triển, người bệnh cảm thấy khó thở, hụt hơi, thiếu không khí, nặng ngực ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Ho có đờm: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết đờm và gây ho có đờm kéo dài, nhất là vào buổi sáng.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên: Hệ miễn dịch suy yếu làm cho người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn.

Bên cạnh những triệu chứng điển hình kể trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) còn có thể được nhận biết thông qua một số triệu chứng khác như:

  • Thở khò khè: Đây là dấu hiệu cho thấy không khí bị tắc nghẽn khi đi qua các phế quản, thường gặp khi người bệnh gắng sức.
  • Mệt mỏi: Cơ thể mệt mỏi là kết quả của việc phải làm việc nhiều hơn để lấy và sử dụng oxy.
  • Sưng ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân: Đây là biểu hiện của tình trạng tích tụ chất lỏng do hệ thống hô hấp không nhận đủ lượng oxy cần thiết, khiến cho các cơ quan khác như tim, bộ phận gan, bộ phận thận bị ảnh hưởng. Triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh.
  • Sốt: Thân nhiệt cao trên 38°C.

Lưu ý, các triệu chứng của COPD, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như: viêm phế quản phổi, hen suyễn,… Vì vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh một cách chuẩn xác nhất. Không nên chủ quan khi gặp các triệu chứng trên, tránh trường hợp bệnh nặng dẫn đến khó điều trị.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

3.1. Yếu tố nội tại (tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen)

Một trong những rối loạn di truyền có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng thiếu alpha-1 antitrypsin (một loại protein được tạo ra trong gan và tiết vào máu để giúp bảo vệ phổi). Hiện nay có khoảng 1% những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính liên quan đến vấn đề này. 

3.2. Yếu tố bên ngoài

Một số yếu tố bên ngoài môi trường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD, cụ thể như sau:

  • Hút thuốc (chủ động và thụ động): Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các ca mắc bệnh COPD. Có khoảng 20 – 30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh. Bên cạnh thuốc lá, các loại thuốc lào, thuốc lá điện tử, xì gà và cần sa cũng làm tăng nguy cơ mắc COPD. 
  • Khói, bụi, hơi, khí độc: Tiếp xúc lâu dài với khói, bụi, hơi hoặc khí có hại như: khói củi, bụi và khói than, khói hàn, bụi và khói cadmium, hạt và bụi bột, bụi silica và các chất isocyanates có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hình ảnh về người đàn ông đang hút thuốc dẫn tới nguy cơ bị phổi tắc nghẽn
Hút thuốc chiếm hơn 90% các ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

3.3. Di chứng từ các bệnh khác

Một số di chứng từ các bệnh lý khác có thể dẫn đến sự phát triển của COPD, bao gồm:

  • Tiền sử mắc các bệnh hô hấp: Những người có tiền sử mắc các bệnh lý đường hô hấp như: viêm phế quản cấp, hen suyễn, lao phổi,… có nguy cơ mắc COPD cao hơn người bình thường. 
  • Suy giảm miễn dịch: Người bị suy giảm miễn dịch hoặc từng mắc các bệnh lý nhiễm trùng có nguy cơ mắc COPD cao hơn.

4. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

4.1. Khám lâm sàng

Chẩn đoán COPD thường dựa trên các thông tin lâm sàng từ người bệnh. Những đối tượng thường có nguy cơ cao mắc bệnh là: người trên 40 tuổi, người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc trong môi trường khói bụi kéo dài. Người bệnh có thể mô tả các triệu chứng như ho mãn tính, ho có đờm, khó thở và thở khò khè.

4.2. Kiểm tra chức năng hô hấp

Kiểm tra chức năng hô hấp, hay còn gọi là hô hấp ký, đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là một phương pháp thăm dò đơn giản, không gây đau đớn hay khó chịu cho người bệnh. Qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể thu thập được thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi. 

Kết quả chẩn đoán COPD được chia thành 4 giai đoạn từ nhẹ đến rất nặng. Tiêu chí để phân loại chủ yếu dựa trên chỉ số thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây (FEV1).

  • Giai đoạn 1 (giai đoạn nhẹ) là khi giá trị FEV1 ≥ 80% trị số lý thuyết kèm theo một số triệu chứng không rõ ràng như ho mãn tính, ho có đờm.
  • Giai đoạn 2 (giai đoạn trung bình) là khi giá trị FEV1 ở khoảng 50 – 79% với triệu chứng ho có đờm nhiều hơn, cảm thấy khó thở, thở khò khè và có các đợt bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Giai đoạn 3 (giai đoạn nặng) là khi giá trị FEV1 chỉ còn từ 30 – 49% với tình trạng khó thở trở nên nghiêm trọng và có thể xuất hiện các đợt bệnh cấp gây mệt mỏi kéo dài.
  • Giai đoạn 4 (giai đoạn rất nặng) là khi giá trị FEV1 thấp hơn 30%. Ở giai đoạn này, các tổn thương ở phổi không thể phục hồi, khiến phổi không thể cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan khác và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

4.3. Chẩn đoán hình ảnh

Việc chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng và giai đoạn của COPD, đồng thời giúp phát hiện các bệnh đồng mắc hoặc biến chứng liên quan. Các phương pháp chính bao gồm:

  • X-quang phổi: Phương pháp này gợi ý chẩn đoán bệnh COPD thông qua hình ảnh trường phổi hai bên sáng, cơ hoành hạ thấp, cơ hoành hình bậc thang và có xuất hiện những bóng khí, khoang liên sườn giãn rộng và nhánh động mạch thùy dưới phổi có đường kính vượt 16mm. Chụp X-quang cũng cho phép bác sĩ loại trừ các bệnh khác có triệu chứng giống với COPD như: giãn phế quản, xơ phổi, lao phổi, u phổi,… và phát hiện các bệnh đồng mắc như: tràn khí màng phổi, tràn dịch, suy tim,…
  • Điện tâm đồ (ECG): Phương pháp này giúp phát hiện các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và tình trạng suy tim phải của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở giai đoạn muộn.
Hình ảnh về dụng cụ dùng để đo điện tâm đồ ở người
Điện tâm đồ (ECG) giúp phát hiện tình trạng suy tim phải khi COPD đang ở giai đoạn muộn

5. Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

5.1. Theo Tây Y

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một căn bệnh mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, điều trị sẽ tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh: 

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc được kê đơn khi người bệnh có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn ở phế quản phổi. Lưu ý, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc làm dụng thuốc gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
  • Thuốc giãn phế quản (dạng hít): Thuốc có công dụng làm giãn cơ trơn phế quản khiến quá trình lưu thông khí trở nên dễ dàng hơn, từ đó giúp giảm khó thở và giảm ho cho người bệnh.
  • Steroid: Thuốc steroid được chia thành 2 loại: dạng hít và đường uống. Steroid dạng hít được dùng để giảm viêm đường thở và ngăn ngừa các đợt cấp, rất cần thiết cho những ai bị COPD cấp thường xuyên. Steroid đường uống được sử dụng với liệu trình ngắn ngày (khoảng 5 ngày) trong các trường hợp COPD cấp tính và COPD ở giai đoạn nặng.
  • Thuốc long đờm: Loại thuốc này giúp làm loãng đờm để người bệnh ho ra dễ dàng hơn. Lưu ý, khi sử dụng thuốc long đờm, cần uống với tối thiểu 240ml nước và uống nước thật nhiều trong ngày để có thể phân hủy đờm.
  • Thuốc ức chế Leukotrienes: Thuốc làm giảm các phản ứng được tạo ra bởi Leukotrienes (một chất hóa học tự nhiên trong cơ thể có khả năng làm co thắt đường thở và sản xuất chất nhầy, chất lỏng), từ đó giúp cải thiện sự lưu thông của các luồng khí và giảm triệu chứng của bệnh.
  • Thuốc ức chế phosphodiesterase-4: Thuốc có tác dụng giảm viêm và làm giãn các cơ xung quanh đường thở, được sử dụng trong các trường hợp COPD giai đoạn nặng và có các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mãn tính.
  • Theophylline: Thuốc được sử dụng để cải thiện hô hấp và ngăn ngừa các đợt COPD diễn tiến tệ hơn. Theophylline được cân nhắc khi các điều trị khác không hiệu quả hoặc chi phí quá cao.
  • Thở oxy và thở máy: Phương pháp này có tác dụng duy trì chức năng hô hấp của người bệnh trong trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nên trầm trọng.
  • Phục hồi chức năng phổi: Đây là một chương trình chuyên biệt bao gồm các bài tập thể dục, bài tập thở, tập ho, vỗ rung và giáo dục sức khỏe. Luyện tập các bài tập đều đặn giúp gia tăng sự trao đổi khí trong phổi, làm thông thoáng đường thở, giảm co thắt phế quản và gia tăng sức mạnh cơ vùng hô hấp. 
Hình ảnh người đàn ông đang thở oxy
Thở oxy để duy trì chức năng hô hấp trong trường hợp bệnh nặng

5.2. Theo Đông Y

Theo Đông Y, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thuộc chứng háo suyễn, đàm ẩm. Nguyên nhân một phần là do ngoại tà, ăn uống, làm việc quá sức, tình chí thất thường,… Chứng bệnh này còn do có sự thay đổi hoạt động của các tạng Phế và Thận vì Phế khí tuyên giáng và Thận nạp khí. Khi Phế khí nghịch, Thận không nạp được khí sẽ gây khó thở, tức ngực. Ngoài ra, Tỳ hư, Thận dương hư và Phế khí hư cũng sẽ tạo nên nhiều đờm. Đờm tích tụ gây tức ngực, khó thở, ho có đờm,…

Để điều trị chứng háo suyễn, Đông y tập trung vào việc phục hồi chức năng các nội tạng, đặc biệt là Tỳ, Phế và Thận nhằm: 

  • Tăng cường sức đề kháng.
  • Ức chế virus và tiêu viêm, làm cho khí quản và phế quản trở lại bình thường.
  • Loại bỏ đờm và cải thiện các triệu chứng của hen phế quản, viêm phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 

Một trong những bài thuốc Đông y thường được kê cho người mắc chứng háo suyễn là bài Tiểu Thanh Long gia giảm giúp ôn phế hóa đàm:

  • Nguyên liệu: 8g Bán hạ chế, 6g Ma hoàng, 6g Quế chi, 6g Ngũ vị tử, 4g Can khương, 4g Tế tân, 4g Bạch tiền, 4g Cam thảo.
  • Thực hiện: Đem tất cả các vị trên sắc lấy nước uống. Nếu ho nhiều có thể thêm 12g Tử uyển và 8g Khoản đông hoa. Nếu rên, ứ đọng nhiều thì thêm 12g Đình lịch tử.

5.3. Tại nhà

Một số biện pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà có thể góp phần kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cụ thể như sau:

  • Nói không với thuốc lá: Ngừng hút thuốc lá (bao gồm cả hít phải khói thuốc lá thụ động) là yếu tố quan trọng hàng đầu để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Loại bỏ khói thuốc lá giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và cải thiện chức năng hệ hô hấp. 
  • Tuân thủ đúng liều thuốc: Việc sử dụng ống hít và các loại thuốc được chỉ định bởi bác sĩ có vai trò quan trọng trong việc điều trị COPD. Cần đảm bảo tuân thủ đúng liều và thời gian sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Chú ý đến môi trường sống: Tránh tiếp xúc với hóa chất, khói, bụi và các tác nhân kích thích khác có thể gây tổn thương cho phổi. Đồng thời, giữ môi trường sống sạch sẽ và thoáng mát để hỗ trợ quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi hơn. 

6. Chăm sóc người mắc bệnh

Người bị COPD thường gặp phải các triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè,… gây ra nhiều khó chịu và bất tiện trong cuộc sống. Vì vậy, người chăm sóc cần tâm lý, động viên người bệnh thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để chóng hồi phục: 

  • Ăn uống: Nên nhắc nhở người bệnh ăn uống đầy đủ để tránh tình trạng suy dinh dưỡng gây suy giảm khả năng miễn dịch và giảm khả năng chống chọi với bệnh. Nên tăng cường bổ sung đạm và chất béo có lợi như cá, dầu thực vật và hạn chế chất béo từ gia cầm, động vật có vú. Cần bổ sung vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả, đặc biệt là những loại chứa vitamin A, C, E. Cần tránh ăn quá nhiều tinh bột và các thực phẩm dễ sinh hơi như hành tây, tiêu, ớt, tỏi,… Nên chia thành 5 – 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày và uống đủ nước để làm loãng đờm. 
  • Vận động: Khuyến khích người bệnh thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, nâng tạ nhẹ,… Chú ý không cho vận động quá mức và phải nghỉ ngơi khi cần thiết. Đặc biệt, nên nhắc nhở người bệnh luyện tập đều đặn các bài tập thở như: thở chúm môi, thở cơ hoành, tập ho,… để phục hồi chức năng hô hấp.
  • Vệ sinh cá nhân: Người nhà nên để người bệnh tự làm vệ sinh cá nhân nếu có đủ sức khỏe. Cần thiết kế phòng vệ sinh và sắp xếp đồ đạc để giúp người bệnh dễ dàng thực hiện các công việc như tắm rửa. 

7. Phòng ngừa COPD

Bảo vệ sức khỏe của phổi là vô cùng quan trọng để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng và các bệnh lý về đường hô hấp nói chung. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản và hữu ích giúp bạn bảo vệ phổi và ngăn ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

  • Tránh xa khói thuốc lá (dù chủ động hay thụ động) và các chất kích thích.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, khói than, khói nhiên liệu, hóa chất,… Cần mặc đồ bảo hộ lao động khi phải tiếp xúc với môi trường làm việc độc hại.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên có thể gây ra các phản ứng dị ứng đường hô hấp như: phấn hoa, lông thú, hơi xăng dầu,…
  • Giữ ấm cơ thể, che miệng và mũi cẩn thận khi thời tiết đột ngột trở lạnh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ bổ sung các món ăn bổ phổi, các loại thực phẩm bổ phổi và vận động khoa học nhằm tăng cường sức đề kháng.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng bổ phổi giúp bảo vệ cũng như tăng cường chức năng của phổi. 

Mời bạn xem thêm: Tổng hợp các loại thuốc bổ phổi giúp cải thiện sức khỏe hô hấp của bạn

8. Tổng kết

Có thể thấy, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cực kỳ nguy hiểm và có nguy cơ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chính vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng như: ho (đặc biệt là ho có đờm), khó thở, thở khò khè, mệt mỏi,… người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán bệnh một cách chính xác.

Với những ai đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, điều quan trọng là cần làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Bạn cần tránh xa thuốc lá; hạn chế tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại và tuân theo chỉ định của bác sĩ để có thể kiểm soát bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có các biện pháp cải thiện triệu chứng ho, nhất là ho có đờm để cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.

Một trong những sản phẩm bạn có thể tham khảo đó là Thiên Môn Bổ Phổi của Dược Bình Đông. Sản phẩm bảo vệ sức khỏe Phổi này là giải pháp tuyệt vời giúp hỗ trợ giảm ho, đặc biệt là ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi, ho nhiều về đêm do bệnh COPD gây ra; từ đó giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Ngoài ra, sản phẩm còn có công dụng bổ phổi, tăng cường vệ khí và nâng cao sức khỏe của phổi, giúp phổi khỏe mạnh hơn và hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng của phổi.

Hình ảnh về thực phẩm bảo vệ sức khỏe thiên môn bổ phổi giúp điều trị ho phổi tắc nghẽn mãn tính
Thiên Môn Bổ Phổi hỗ trợ giảm các triệu chứng ho, ho có đờm, ho lâu ngày

Nếu bạn quan tâm đến sản phẩm Thiên Môn Bổ Phổi, vui lòng liên hệ qua hotline (028)39 808 808 để được đội ngũ tư vấn viên của Dược Bình Đông hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhé!

Thiên môn bổ phổi điều trị các vấn đề liên quan đến phổi

Đánh giá bài viết này

0 / 5

Your page rank:

Đang cập nhật
Liên hệ với Dược Bình Đông để được tư vấn miễn phí
Bình luận
0 0 đánh giá
5
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Bài viết liên quan
Bằng tất cả sự tận tụy và tâm huyết, Dược Bình Đông luôn trung thành với tôn chỉ "Thành quả chúng tôi không phải tiền bạc mà là sức khỏe và sự tin tưởng của khách hàng".

Tư vấn miễn phí

Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn các vấn đề sức khỏe mà bạn cần. Hãy để lại lời nhắn, chúng tôi sẽ phản hồi ngay!

(Các thông tin cung cấp đều được bảo mật)